Thật vậy, trong thơ anh hình ảnh người mẹ “nửa đời đi chân đất”, như thân cò lặn lội nắng mưa, mong con khôn lớn thành người đã định dạng ra hình hài và gieo vào lòng anh bao ước vọng.
“Tiếng chày khuya mẹ giã nát đêm trường
Cuộc đời mòn theo thớt gỗ
…..mượn miếng trầu đong đếm buồn vui”
(Mẹ quê)
Để rồi “ Một ngày cửa chính mở toang
Đưa mẹ về nơi không cần đóng cửa”
(Ngôi nhà chỉ mở cửa hông)
Để lại nỗi đau khôn xiết, dấu chấm lặng đời con.
Anh đi thật nhiều và dường như nơi bước chân anh hằn đều hóa thành thơ, thành nhạc. Anh thổi hồn vào đất. Đến Hội An anh có “Chiều Cửa Đợi “, “Mưa đêm Hội An”, “Đêm phố cổ”; Qua Phước Sơn anh lại ngâm nga “Chiều qua Thạnh Mỹ”; xuôi Điện Bàn anh nhớ “Trăng Văn Ly”; về Duy Xuyên lại trầm mặc “Trước Mỹ Sơn”; Lên phố núi anh thầm mơ cô thôn nữ “Chiều Hiệp Đức”; nhớ Đà Lạt anh lại “Một lần với Bà Nà”; xa hơn hết là “Mũi thuyền” của tổ quốc anh có một đêm thao thức để “Viết trong đêm Hà Tiên”. Ưu ái thật nhiều cho vùng đất trung du, miền Tây quê anh, với dòng Thu lững lờ trôi đầy thơ mộng, với đèo Le suối Mát, Đại Bình, bến Sé. Tình cảm anh dành cho quê hương thật trìu mến, da diết :
“Chiều Cửa Đợi chợt nhớ nguồn xa thẳm
Hòn Kẽm - Đá Dừng nhưng nước có dừng đâu”
(Chiều Cửa Đợi)
Khi về đèo Le thơ anh ẩn hiện nỗi niềm riêng, luyến tiếc một thời, một người “ Về bên ấy rồi em có nhớ về tôi
Những hờn giận những đêm nào thức trắng…
(Gửi người về bên kia Đèo Le)
Đèo Le thật thơ mộng, huyền ảo:
“Trăng lóng lánh giữa trong ngần Nước Mát
Cô bạn học ngỡ ngàng uống cạn ngụm trăng trong”
(Đèo Le)
Khi viết về vợ , anh kín đáo dấu sự yêu thương, biết ơn và tin tưởng vào trong từng câu chữ ở “Lặng lẽ phía sau”, “Ngày Valentine”, “Thơ tặng bạn đồng hành”.
“Anh càng vững tâm trước sóng gió cuộc đời
Bởi tin phía sau mình
Vẫn có em lặng lẽ”
(Lặng lẽ phía sau)
“Ta có cả biết bao ngày valentine nồng nàn trong thầm lặng
Cả một đời dành tặng cho nhau”
(Ngày Valentine)
Cái cốt lõi trong thơ anh là tính triết lý về cuộc sống, về con người, về tình yêu, tình chồng vợ. Những triết lý ấy đã “định dạng” rõ nét ở mọi ngõ ngách tâm hồn anh: sự hòa nhập vào thiên nhiên, hòa quyện giữa đất trời, vạn vật; giao thoa với không gian tĩnh mịch, đã tạo nên bản hòa tấu trữ tình, âm hưởng của đời thường.
“Tôi không còn chính là tôi ?
Nửa riêng đã lở…
Nửa bồi của…ai?”
(Định dạng tôi)
“Trong hạnh phúc lẽ nào không đau khổ
Bao ngọt bùi không cay đắng sao em?”
(Triết lý ở Nước Mát)
“Tôi nghĩ về thơ như nghĩ về cuộc đời
Tôi nghĩ về thơ như nghĩ về con người”
(Vĩ Thanh)
“Làng lên phố bao người mừng
Còn tôi sống tựa người dưng trong làng”
(Làng lên phố)
“Nếu còn một chút đời tôi
Xin làm hạt cát đắp bồi cho quê”
(Tự sự)
Bản lĩnh của con người là đứng trước khó khăn, thử thách, cám dỗ của đời thường vẫn giữ được trung trinh; anh châm biếm, phê phán những kẻ luồn cúi, nịnh nọt thái quá:
“Biết khom lưng luồn cúi
Được khen là người khôn”
(Tập so sánh)
Nhìn về góc độ nghệ thuật thơ anh có nét cá tính riêng biệt. Anh luôn lấy cảm hứng câu ca dao, câu châm ngôn, lời thơ ý nhạc quen thuộc, được truyền miệng của các nhân vật nổi tiếng trong văn đàng để gieo vần điệu. Anh lấy lời nhạc của Trịnh Công Sơn “Gọi nắng cho vai em gầy” để viết:
“Ngày xuống nhạc nhòa hoa nắng rơi
Trên vai em gầy bóng chiều rơi” (Chiều qua Thanh Mỹ)
Lấy câu hát “Em ru gì cho ta qua bao ngày phôi pha” trong bài “ Đâu phải bởi mùa thu” của Phú Quang để viết :
“Thôi em còn lại chút tình
Ta về tự hát ru mình…
Tự quên”
(Ru đời)
Lấy từ lời tự sự của Nguyễn Minh Châu “Xin mọi người hãy tạm dừng một phút cái nhịp sống bận bịu, chen lấn để tự suy nghĩ về chính mình” để viết:
“Tôi không là của riêng tôi
là mưa nắng
lở bồi
tháng năm…”
(Định dạng tôi)
Hay anh lấy câu ca dao :
“Cầm vàng mà lội qua sông
vàng trôi không tiếc, tiếc công cầm vàng” để viết câu:
“Giận đời? không!
chỉ trách tôi
hững hờ chẳng biết vàng trôi bao giờ”
(Tự sự)
Hoặc câu ca dao:
“Con cò mà đi ăn đêm
đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao”
để viết bài “Về thôi, Cò ơi”; hay lấy ý câu thơ:
“ Ta trọn kiếp người không hình bóng
Em một đời trăng mãi chưa tròn” để viết bài “Mùa đã tàn phai”.
Ai cũng bảo thơ lục bát dễ làm nhưng khó hay. Ở thơ anh đã đạt đến sự độc đáo, phá cách, dùng thủ thuật ngắt từ, cụm từ xuống hàng theo từng ý thơ, tứ thơ, làm câu thơ có hiệu ứng cao hơn, có giai điệu, nhịp điệu để thơ thành nhạc.
Mưa rơi
giọt đắng
giọt cay
giọt quất rát mắt
giọt quay quắt …đời
(Mưa)
|
Người đi
mưa bụi trắng trời
ướt bờ vai nhỏ
lòng người không mưa?
(Mưa xuân)
|
Em đi
bỏ lại bên đời
gừng cay muối mặn
một thời mẹ ru
dối lòng
làm kiếp phù du
(Gửi theo người qua sông)
|
Tôi về đã gãy nhịp cầu
Đành thôi!
Giận đời? không!
Chỉ trách tôi
(Tự sự)
|
Em về
đã cạn đời sông
Bến xưa đã lở
đò không đợi người
cõi lòng trăm mối
chơi vơi
(Cạn)
|
…..bám vào đất mẹ
nảy mầm
sinh sôi
(Cỏ)
|
Trong “Định dạng tôi” có nhiều bài văn xuôi viết như thơ .“Vĩ thanh “là một minh chứng: “Tôi nghĩ về thơ như nghĩ về con người. Thơ không thể cúi đầu, khom lưng luồn cúi. Sao có thể viết những câu thơ lừa dối? Sao có thể khoác cho thơ xiêm áo…lợi danh”.
Anh còn cố ý gieo vần nối từ đoạn văn trên với đoạn văn kế tiếp:
….Bao nỗi niềm khôn nguôi- Tôi nghĩ về thơ như nghĩ về con người, thơ không thể là nhịp cầu bước tới lợi danh- Tôi nghĩ về thơ như nghĩ về đời mình …ánh hào quang đã lừa dối lòng nhau- Tôi nghĩ về thơ như trắc trở mối tình đầu- (Vĩ thanh)
Hay “Khuôn mặt bạn thân thoắt trở lạnh lùng –Xúc xắc cuộc đời quay trong hư không. Những con số vô hồn- Xúc xắc quay nghiệt ngã đời thường” (Xúc xắc)
Thâm chí trong lời tựa của tập thơ “Định dạng tôi” anh cũng cho người đọc đi từ ngạc nhiên này đến khâm phục khác, trong ấy có cả thơ, nhạc, họa, như tuyên ngôn thơ: “…Những vần thơ còn dính đất phèn chua, thấm đẫm giọt mồ hôi ngày nắng gắt, lắng tiếng thở dài sau vụ mùa thất bát, vọng tiếng mẹ rên đêm trái gió trở trời…Những vần thơ rút ruột của đời tôi, không ngào ngạt hương hoa, không mượt mà nhung lụa, bình dị thảo thơm như hạt lúa quê nhà-Vần thơ quê đền ơn Mẹ công Cha, trả ơn Đất một đời nuôi tôi sống, trả ơn Đời năm tháng dạy tôi khôn”
Ngoài ra anh còn sử dụng điệp từ một cách điêu luyện để nhấn mạnh, liệt kê, tăng cường độ khẳng định lên gấp bội:
“Tôi không còn của riêng tôi, là của mưa nắng, …là trăng tròn nguyệt, …là người lạc giữa xa xăm,…là vui không trọn tiếng cười, là buồn sao mãi chẳng rơi nỗi buồn, là lênh đênh giọt mưa nguồn, ..là nhỏ nhoi một hình hài.
Khả năng sử dụng từ vựng của anh thật đắc giá, nâng dần cung bậc của cảm xúc:
“Một bóng lẻ loi chìm trong chiều nhạt nắng”, “Giờ trơ trọi thân già cô quạnh”, “mẹ đau đáu chờ mong”, “ngôi nhà lại chìm trong lặng lẽ” khi mẹ phải đi xa không về. (Ngôi nhà chỉ mở cửa hông)
Chưa hết anh còn dùng nghệ thuật hoán dụ, nhân hóa thật độc đáo:
“…Ra về áo chẳng ướt vai
Mà sao ướt đẫm lòng ai sang đò”
(Với Đại Bình)
|
“…Hạ về mùa đã tàn thu
Thương ta giờ cũng sương mù nơi xa”
(Mùa đã tàn thu)
|
“…Bến xưa mưa nắng…
lở bồi
Ngu ngơ một kẻ hát lời Trương Chi”
(Gửi theo người qua sông)
|
“…Để sau những lúc ngã lòng, con người vịn câu thơ đứng lên “
(Vĩ thanh)
|
Thuật so sánh trong thơ anh đã đạt tới cảnh giới thâm thúy, tinh tế, không cần dùng từ để so sánh: “Ngỡ em là cô Tấm sẽ hiện ra” (Mùa thu của tôi); “Xúc xắc quay, xúc xắc quay vòng xoáy cuộc đời” (Xúc xắc). Anh so sánh để thấy mâu thuẫn giữa cái cũ và cái mới:
“Từ ngày sắc phố nhuộm làng
Em tôi váy ngắn, tóc vàng, tóc nâu
Không còn nón lá đội đầu
Bỏ rơi câu hát qua cầu gió bay…
….Làng lên phố bao người mừng
Còn tôi sống tựa người dưng trong làng”
(Làng lên phố)
Anh đặt tên cho tập thơ thật độc đáo, có tính khái quát cao. Anh lựa chọn những bài có chung chủ đề để xâu chuỗi vào nhau thành một hệ thống logic, không dễ gì trong một tập thơ lại có nhiều bài thơ để định dạng như thế. Riêng bài thơ “Định dạng tôi” cũng đã gói gắm nội dung, nghệ thuật của các bài thơ cộng lại, nó như lời tựa, như tuyên ngôn không lẫn lộn vào đâu được. Không dễ gì tập thơ có nhiều bài thơ hay đến vậy, nó cùng chung một nhịp đập, cùng thổn thức đến vô cùng.
Không có gì để phân vân nữa!“Định dạng tôi” không còn là công thức vô hồn hay thuật ngữ tin học thuần túy, mà là kết tinh của tâm hồn, trí tuệ, sự trải nghiệm phong phú. Anh đã thổi hồn vào “Định dạng tôi” những gam màu lung linh của cuộc sống. Soi vào đó, có lúc ta phải tự suy ngẫm về đời mình, phải “định dạng” lại mình. Cảm ơn anh đã cho đời quả ngọt. Anh thật sự là một tâm hồn lớn trong văn đàn đất Quảng.
Tôi mong mình còn được gặp anh trong những trang thơ mới, đầy cảm xúc, tinh tế về đề tài người thầy, về vẻ đẹp của vùng đất Nông Sơn.